Bắt trẻ em làm việc nhà là điều khó khăn trong hầu hết các gia đình. Cha mẹ thường phải nhắc nhở, thúc giục. Một số phụ huynh cho rằng khi đứa trẻ không muốn làm hoặc làm không đến nơi đến chốn, họ tự làm sẽ nhanh, hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhiều cha mẹ nghĩ việc quan trọng nhất của trẻ em là học tập, làm việc nhà chỉ lãng phí thời gian.
Tuy nhiên các nghiên cứu nhấn mạnh việc nhà là bước đệm và công cụ học tập, giúp trẻ tự tin, xây dựng khả năng phục hồi và trở nên độc lập khi lớn hơn. Nó cũng khuyến khích trách nhiệm, tinh thần làm việc nhóm và kỷ luật công việc rất cần thiết trong cuộc sống sau này.
Ảnh minh họa
"Bằng cách bắt trẻ làm việc nhà, trẻ sẽ sớm nhận ra mình phải làm công việc của cuộc sống để trở thành một phần của cuộc sống", Julie Lythcott-Haims, Đại học Stanford, tác giả cuốn How to Raise an Adult, nói.
Nghiên cứu của phó giáo sư về giáo dục gia đình Marty Rossmann, Đại học Minnesota (Mỹ) cũng cho thấy "yếu tố dự đoán tốt nhất về thành công của thanh niên ở độ tuổi giữa 20 là đã tham gia vào các công việc gia đình khi 3 hoặc 4 tuổi. Nếu tận 15 tuổi trở lên mới tập làm việc nhà thì dự đoán này không còn tác dụng".
Do đó, cha mẹ hoàn toàn có thể dạy và yêu cầu trẻ làm việc nhà phù hợp với từng độ tuổi.
2-3 tuổi
Ở độ tuổi này trẻ có thể tự làm các công việc như thu gom đồ chơi, dọn dẹp giường ngủ.
Đồng thời, cha mẹ hãy cho trẻ thực hiện các công việc như đặt quần áo bẩn vào giỏ giặt, cho thú cưng ăn hay dọn dẹp nhà cửa, dưới sự chỉ dẫn và hỗ trợ của người lớn.
4-5 tuổi
Trẻ từ 4-5 tuổi nên được cha mẹ cho tự mặc quần áo, gấp chăn, dọn giường. Ngoài ra, cha mẹ cùng trẻ thực hiện các công việc như cất chén bát, dọn dẹp bàn ăn dưới sự giám sát của cha mẹ, nấu ăn cùng cha mẹ, đi mua đồ giúp cha mẹ, giúp người lớn trả lời điện thoại, lau nhà.
Ảnh minh họa
6-11 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ có thể tham gia nhiều công việc xung quanh nhà hơn. Trẻ có thể tự thực hiện việc vệ sinh cá nhân, đồng thời giúp cha mẹ nấu ăn, hút bụi, quét nhà, gấp quần áo, rửa chén bát, dọn dẹp bàn ăn, giặt quần áo, gấp quần áo cho vào tủ, đổ rác, trả lời điện thoại, tưới cây, lau chùi nhà vệ sinh.
12-15 tuổi
Đối với thanh thiếu niên, việc nhà có thể giúp xây dựng lòng tự trọng tích cực nếu trẻ cảm thấy có khả năng và được tin tưởng. Nói cách khác, trẻ thấy tự hào vì được đối xử như người lớn. Việc giới thiệu những công việc mới phù hợp với lứa tuổi có thể tạo nên động lực cho thanh thiếu niên. Điều quan trọng là dạy trẻ tính tự kỷ luật và cách thiết lập các công việc ưu tiên. Hãy cho trẻ quyền giải quyết mọi thứ một cách linh hoạt và tự do trong tầm kiểm soát.
Trẻ ở độ tuổi này hoàn toàn có thể thực hiện các công việc như rửa xe, giặt là, làm sân, dọn dẹp, cắt cỏ, thay khăn trải giường, là quần áo, khâu cúc áo và giặt đồ.
16 tuổi trở lên
Khi bước vào tuổi vị thành niên, trẻ đã có khả năng tự lập. Vì vậy, công việc của chúng bao gồm mọi thứ mà người lớn bình thường có thể làm, bao gồm cả những việc liên quan đến quản lý tiền bạc, đối phó với các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, hãy coi đây là cách luyện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này chứ không phải giao hết việc nhà cho trẻ.
Các công việc được đề xuất gồm có mua sắm, nấu ăn, sửa xe, đi siêu thị, thay bóng đèn, vệ sinh các thiết bị gia dụng...
Ảnh minh họa
Làm gì khi trẻ không muốn làm việc nhà?
Trước tiên, hãy chọn những công việc nhà phù hợp với trẻ và khả năng của chúng, vì công việc quá khó hoặc quá đơn giản đều có thể ảnh hưởng đến động lực của trẻ.
Ngoài ra, khuyến khích trẻ bắt đầu làm việc nhà từ sớm từ 2 tuổi. Khi trẻ chưa thành thạo, hãy làm việc nhà cùng trẻ. Cha mẹ nên nói rõ cho trẻ biết cần làm gì, sau đó viết ra để dễ nhớ.
Đồng thời, nói cho trẻ biết công việc nhà có ý nghĩa gì. Khi trẻ thực hiện tốt, hãy khen ngợi và động viên trẻ ngay lập tức. Cha mẹ có thể ghi lại mỗi lần trẻ làm việc nhà, khi đạt đủ số lần nhất định, có thể thưởng cho trẻ như đi xem phim hoặc ăn món ăn trẻ thích.
Phương Anh