(Dân trí) - Là hoạt động giáo dục bắt buộc, nhưng do chưa có giáo viên chuyên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nên hiện nay các trường vẫn đang linh hoạt xoay sở bằng nguồn giáo viên sẵn có.
Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, hoạt động này đang được triển khai theo lộ trình ở các khối lớp.
Dạy 2 năm nhưng vẫn chưa được bồi dưỡng chuyên môn
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Văn Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Nam Định) cho biết, 2 năm nay, chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã được nhà trường triển khai theo đúng lộ trình. Chương trình này có 3 phân môn, tổ chức 3 tiết/tuần, đan xen vào giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và một tiết độc lập.
Theo ông Dương, vào tiết chào cờ, ngoài dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho khối lớp 6 và 7, còn các nội dung chung của toàn trường, khối lớp 8 và 9 lại chưa được học hoạt động này theo chương trình mới. Vì vậy, đôi lúc, nhà trường còn gặp khó khăn trong tổ chức, sắp xếp các hoạt động trong tiết chào cờ.
"Khó cho giáo viên nhưng lại thuận lợi cho học sinh ở khối lớp 8 và 9. Hiện tại, chương trình mới chưa triển khai đến các khối lớp trên nhưng qua tiết chào cờ, các em được tiếp cận cùng với học sinh các lớp dưới. Điều này giúp các em làm quen dần với chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mới", ông Dương nói.
Học sinh được tham quan, trải nghiệm thực tế tại làng nghề làm cây cảnh (Ảnh: Trường THCS Hải Lý).
Một điểm khó khăn nữa là nhà trường chưa có giáo viên nào được bồi dưỡng chuyên sâu về Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Nhà trường đang phải phân công giáo viên các bộ môn khác kiêm nhiệm.
"Đa số giáo viên chỉ được đào tạo một chuyên môn chứ không nhiều. Muốn tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tốt thì giáo viên phải được bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động này.
Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua mà chưa có lớp bồi dưỡng nào được diễn ra. Các thầy cô chủ yếu vừa dạy, vừa tự bồi dưỡng nên chất lượng có thể chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn", ông Dương nói.
Trường THCS Hải Lý cho học sinh đi trải nghiệm thực tế ở các làng nghề cây cảnh, đánh bắt cá, làm mắm, muối của địa phương. Học sinh rất hứng thú với các hoạt động này nhưng chưa được tổ chức nhiều.
Việc cho các em học ngoài không gian trường, lớp còn hạn chế do phải đảm bảo an toàn. Các em đang ở độ tuổi hiếu động, mỗi lần tổ chức hoạt động trải nghiệm cần tới 5-6 thầy cô đi cùng để quản lý một lớp học.
"Bên cạnh đó, nhà trường không biết tìm nguồn kinh phí ở đâu để tổ chức dạy và học ngoài trường, lớp vì chúng tôi không được thu một số khoản tiền.
Nếu dạy và học trong lớp thì cần có tivi thông minh để giáo viên giới thiệu trực quan các ngành, nghề cho học sinh, nhưng chúng tôi chưa có điều kiện lắp đặt. Nhà trường lại được chỉ đạo không xã hội hóa bằng cách chia đều.
Đa số phụ huynh ở quê có thu nhập mỗi tháng chỉ từ 6-7 triệu đồng, không ai có thể một mình đứng ra ủng hộ chiếc tivi cả chục triệu đồng được. Đây cũng là một khó khăn của chúng tôi khi tổ chức dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp", ông Dương cho biết.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cần có kinh phí để tổ chức cho học sinh đi học hỏi thực tế (Ảnh minh họa: Quốc Triều).
Bà Nguyễn Thị Én - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) cho rằng, dù đã được tập huấn nhưng giáo viên cần nhiều thời gian hơn để thực hiện có hiệu quả nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Năm nay là năm đầu tiên nhà trường triển khai chương trình mới, giáo viên chủ yếu phải vừa dạy, vừa tự học.
Theo bà Én, hoạt động dạy học của chương trình này được giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp. Thời lượng là 3 tiết/tuần. Nhà trường đang thực hiện bằng cách giao cho học sinh nghiên cứu chuyên đề vào tiết một hàng tuần, các em phải báo cáo kết quả sau một tuần, vào tiết sinh hoạt.
"Cách tổ chức đó chưa thực sự giúp học sinh trải nghiệm để phát huy tối đa năng lực của mình. Các em cần được tham gia hoạt động thực tế nhiều hơn nữa. Việc sắp xếp thời gian, địa điểm trải nghiệm, phương tiện đi lại, cách quản lý hoạt động và hiệu quả là không hề dễ dàng", bà Én nói.
Hiện tại, nhà trường đang triển khai hoạt động hướng nghiệp bằng cách mời các trường đại học, cao đẳng, các chuyên gia, cựu học sinh thành đạt về tư vấn cho các em trong buổi chào cờ.
Giáo viên dạy 5 tiết nhưng có thể chỉ được tính 4 tiết
Chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại Trường THCS Sơn Tây (Hà Nội) cũng được quy định thực hiện 3 tiết/tuần. Mỗi tuần, học sinh được học một chủ đề. Giáo viên chủ nhiệm lớp nào thì phụ trách hoạt động của lớp đó.
Theo cô Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường, việc triển khai chương trình mới này bất cập ở chỗ, học sinh các khối lớp học các chủ đề khác nhau nhưng phải học chung vào tiết sinh hoạt dưới cờ.
Đôi khi, tiết học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải đan xen với các hoạt động phát sinh khác trong giờ chào cờ. Điều đó dẫn đến tiết học vào sáng thứ 2 hàng tuần kém hiệu quả hơn 2 tiết còn lại được tổ chức trên lớp.
Trách nhiệm của giáo viên ở chương trình mới nặng nề hơn (Ảnh minh họa: Hiếu Nguyễn).
Cách tính số tiết cho giáo viên chủ nhiệm cũng bị ảnh hưởng. Theo chương trình cũ, ngoài các tiết dạy chuyên môn ra, giáo viên chủ nhiệm có thêm 4 tiết kiêm nhiệm, bao gồm chào cờ, sinh hoạt lớp và 2 tiết tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Sang chương trình mới, các trường được cho phép tính số tiết kiêm nhiệm của giáo viên theo điều kiện thực tế của mình. Vì vậy, dù chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp làm phát sinh thêm số tiết nhưng giáo viên chủ nhiệm có thể không được tính số tiết phát sinh đó.
Tại Trường THCS Sơn Tây, Tổng phụ trách Đội đang phối hợp với giáo viên chủ nhiệm dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Vì vậy, nhà trường gặp khó trong việc tính toán số tiết cho các giáo viên.
Cô Hạnh đánh giá, chương trình mới đẩy mạnh nội dung hướng nghiệp hơn. Trước kia, học sinh lớp 9 mới được hướng nghiệp, mỗi tháng chỉ có một tiết. Hoạt động hướng nghiệp giờ đây đã được đan xen trong mỗi bài học, thời lượng nhiều hơn. Các chủ đề hướng nghiệp cũng được cập nhật, khung chương trình khoa học và cụ thể hơn.
Từ giai đoạn đầu triển khai, nhà trường đã cử Tổng phụ trách Đội đi tập huấn, thay vì giao cho giáo viên chủ nhiệm. Tổng phụ trách Đội xây dựng kế hoạch, làm giáo án mẫu và chia sẻ cho các thầy cô cùng nghiên cứu, dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng.
Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh trải nghiệm ngoài phạm vi trường, lớp. Sắp tới, các em được đến dâng hương, lao động vệ sinh tại Thành cổ Sơn Tây, chơi trò chơi tìm hiểu về di tích lịch sử, kiến trúc này nhân dịp kỷ niệm 200 thành cổ.