Hoa phấn - Bí kíp làm đẹp độc đáo của cung nữ triều Nguyễn ít người biết

23/07/2021 11:23
Hoa phấn hay còn gọi là hoa "cung nữ" là một trong những bí kíp làm đẹp của cung nữ triều Nguyễn, hiện được trồng, lưu giữ ở phủ Tùng Thiện Vương bên bờ sông An Cựu, Huế.

>>>>>>> Ngâm vỏ cam với thứ này, mỗi ngày một cốc, mạch máu thông thoáng, vòng eo nhỏ lại, bạn cũng nên thử

Hoa phấn, tên khoa học là Mirabilis jalapa, xuất xứ từ Nam Mỹ, nhưng do các phi tần trong cung triều Nguyễn từng dùng để làm đẹp nên nó còn có tên hoa “cung nữ”. Loài hoa này còn có các tên gọi khác như bông phấn, sâm ớt, yên chi…

Hoa phấn có đặc điểm lạ là một cây có thể nở hoa nhiều sắc màu và hoa có thể đổi sắc theo thời tiết cũng như độ già non của cây. Như cây hoa phấn vàng, khi đã có tuổi thì thường nở hoa sắc hồng, trong khi loại hoa phấn trắng sẽ đổi thành hoa tím.

Hoa phấn

“Mệ” Bửu Tộ và những cây hoa phấn trong phủ Tùng Thiện Vương. Ảnh: Tường Minh

Loài hoa phấn hồng lúc mới nở gặp trời nắng đẹp có màu sắc hồng tươi nhưng khi gặp ngày mưa, nắng ủ thì lại có màu huyết dụ...

Cây hoa phấn ở Huế gắn liền với "Mệ" Bửu Tộ, cháu đời thứ 4 của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, vốn là một kỹ sư nông lâm, hiện là Trưởng ban quản trị phủ thờ.

Hơn 20 năm trước, trong một lần về thăm quốc tự Diệu Đế, nơi hoàng tử Miên Tông (tức vua Thiệu Trị sau này) ra đời, ông Bứu Tộ bất ngờ nhìn thấy hoa phấn được trồng trong vườn chùa.

Theo sư trụ trì, đây là loại hoa mà các cung nữ xưa dùng làm phấn để trang điểm. Hoa được trồng ở chùa từ đời này qua đời khác và tồn tại cho đến khi "Mệ" Bửu Tộ được thấy tận mắt.

Theo "Mệ" Bửu Tộ thì chuyện phụ nữ trong cung làm đẹp bằng hoa phấn "Mệ" đã được nghe kể, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời "Mệ" được thấy hoa. Bởi vậy, "Mệ" Bửu Tộ đã xin thầy trụ trì mấy hạt giống về trồng ở phủ Tùng Thiện Vương và hoa phát triển rất tốt.

Theo "Mệ" Bửu Tộ, loài hoa chỉ nở vào khoảng 16h chiều và đến sáng hôm sau, khi mặt trời lên, thì héo tàn. Sau khi hoa tàn, đài hoa sẽ phát triển một loại trái to bằng hạt đậu, có hình thu giống hạt hồ tiêu khô.

Bên ngoài vỏ cứng màu đen, nhăn nheo, bên trong có chứa một loại tinh bột trắng tinh. Đây chính là nguyên liệu để làm phấn cho các phi tần trong cung ngày xưa, có công năng làm đẹp, mát da, mịn da và láng da.

Hoa phấn

Hoa phấn trong phủ Tùng Thiện Vương. Ảnh: Tường Minh

Đặc biệt, phụ nữ trong cung thường lấy cánh hoa cung nữ vắt ra thành nước bôi lên hai má để má hồng tự nhiên hoặc huyết dụ tùy vào thời điểm.

Việc làm đẹp da bằng cây hoa cung nữ sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu lấy bột của quả hòa với mật ong thoa đều lên da mặt, sau khoảng 30 phút thì rửa sạch.

Theo "Mệ" Bửu Tộ, trong quả và hoa của cây cung nữ có hàm lượng lớn linolenic acid và một số chất khác rất tốt cho làn da.

"Những chất này làm cho da trắng mịn, không bị nám, tàn nhang, mụn trứng cá, nốt ruồi, hơn xa các loại mỹ phẩm đắt tiền hiện nay" - "Mệ" Bửu Tộ nói.

Cũng theo "Mệ" Bửu Tộ, hoa phấn là loài cây quý hiếm nhưng cũng dễ trồng. Và ai cũng có thể trồng cho mình một vài cây trong vườn, trong chậu ở ban công sân thượng để có thể thử nghiệm phương pháp làm tự làm đẹp rất độc đáo của phụ nữ xưa trong cung đình triều Nguyễn.

>>>>>> Xem thêm : Những  chuyen la viet nam về cách làm đẹp trên báo ngoisao.vn

Theo laodong.vn

Hoa phấn - Bí kíp làm đẹp độc đáo của cung nữ triều Nguyễn ít người biết - Làm Đẹp