Một số người có ‘sở thích’ chụp lén phụ nữ mặc bikini ở biển rồi đưa ảnh lên mạng với những lời lẽ cợt nhả, cho rằng nếu dám mặc bikini ở nơi công cộng thì phải chấp nhận cho người khác đăng hình công khai.
Nhiều người bức xúc vì hành vi chụp, quay lén người khác rồi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội và bình luận khiếm nhã - Ảnh minh họa: UNPLASH
Tình trạng này diễn ra liên tục ở các hội nhóm trên Facebook thông qua status hay các video clip cận cảnh trên TikTok. Dù đã làm mờ mặt "chủ thể", song không khó để nhìn ra khuôn mặt cùng body của những cô gái trong ảnh.
Ám ảnh vì bị chụp lén, chê bai ngoại hình
Sau khi bài viết, video clip quay lén các cô gái đăng tải, những người "cùng hội cùng thuyền" khác sẽ vào soi mói, đưa ra những bình luận khiếm nhã. Thậm chí body shaming (miệt thị ngoại hình) với cô gái nào mà họ cho là ngoại hình hoặc gương mặt không đẹp.
Hồi tháng 5, cư dân mạng đã lên án việc một nam TikToker tên C. lấy cớ "phỏng vấn dạo" để quay lén một số cô gái mặc bikini đi biển, thậm chí chĩa thẳng máy quay cận, bất chấp sự khó chịu, từ chối của các cô.
Nhiều người bức xúc, lên án hành vi của C. là quấy rối tình dục, xúc phạm nhân phẩm, sử dụng hình ảnh người khác trái phép. Trước phản ứng của dư luận, nam thanh niên này đã xóa hoặc tạm ẩn những video quay lén nhạy cảm trên nền tảng TikTok. Tuy nhiên, trên kênh YouTube của người này, hàng loạt video có nội dung tương tự vẫn còn đó.
Nhớ lại chuyện bị chụp hình lén ở Vũng Tàu cách đây hơn một năm, chị N.N.T. (25 tuổi, ở quận 7, TP.HCM) kể lần đó đi biển cùng hai người bạn nữ, do thích mặc bikini để tắm cho thoải mái và có ảnh đẹp để làm kỷ niệm nên chị đã mặc bộ bikini xuống biển.
"Tới khi đi chơi về nhà, bạn tôi gửi cho xem một status trên Facebook. Đó là hình chụp lén từ xa cảnh tôi mặc bikini, thấy một góc mặt của tôi. Dưới bình luận có người khen đẹp, nhưng cũng có một số người vô chê từng vòng (ba vòng) của tôi, bình phẩm về cơ thể với ý rất mất lịch sự, nếu không muốn nói là vô văn hóa", chị T. bức xúc nói.
Sau đó, chị T. đã nhắn tin cho chủ bài đăng đề nghị gỡ bài xuống, nếu không sẽ kiện thì người này mới xóa bài. "Nhưng hình tôi trong điện thoại của họ không biết đã xóa chưa, hay còn giữ để làm mục đích gì khác", chị ngán ngẩm.
Mặc gì là quyền của người khác
Theo chị Huyền Trang (28 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM), việc mặc bikini ở nơi công cộng là chuyện bình thường, phụ nữ nhiều nước trên thế giới rất hay mặc để đi tắm biển, tắm sông, hay tham gia những lễ hội té nước...
"Phụ nữ mặc bikini chắc hẳn sẽ có sự tự tin riêng. Người mặc cần được cộng đồng tôn trọng, chứ không phải họ khoe để người khác chụp lén, quay lén.
Có quy định cấm quay phim, chụp ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý. Việc này bảo vệ sự riêng tư của mỗi cá nhân khi tham gia sinh hoạt trong cộng đồng", chị Trang nói và cho hay phụ nữ đẹp khi họ được là chính mình và họ thích mặc gì đều phải được tôn trọng, miễn sao không trái thuần phong mỹ tục.
"Đi biển mặc bikini là đúng rồi, mà có mặc gì đi nữa cũng kệ người ta. Đâu phải họ mặc ở nơi công cộng thì bạn có quyền chụp hình, lén quay clip rồi đăng lên mạng. Kể cả việc thấy trước mặt rồi nhìn chằm chằm vào người khác thì cũng đã không nên rồi", chị Hồng Hoa (30 tuổi, ở Đà Nẵng) cho hay.
Chụp, quay lén người khác là hành vi vi phạm pháp luật
Theo khoản 3 điều 102 nghị định 15/2020, mức phạt cho tổ chức có hành vi tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.
Chị em cảnh giác với camera quay lén nơi công cộng
Gần đây người ta phát hiện hàng loạt vụ camera quay lén. Nếu chẳng may bọn biến thái gắn camera ở nơi công cộng thì đây là phương thức tốt nhất để đối phó.