Ảnh minh họa
Trước tình trạng vi phạm tràn lan và những hệ lụy nghiêm trọng mà TikTok đang gây ra, đặc biệt là cho giới trẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ triển khai đồng loạt những biện pháp mạnh để chấn chỉnh mạng xã hội này.
TikTok vi phạm tăng cao từ đầu năm 2022
Hệ lụy nguy hiểm là TikTok "khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc", ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, đánh giá.
Theo cục, trên TikTok xuất hiện nhiều video có nội dung xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam, các clip nhảm nhí, độc hại, có nội dung sử dụng hình ảnh khêu gợi, đi kèm nội dung hạ thấp con người Việt Nam, bên cạnh đó là những nội dung gây nguy hiểm với trẻ em.
Không chỉ vậy, TikTok này còn dung túng, khuyến khích tạo thuận lợi cho nhiều hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Ông Do cho biết thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, YouTube chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Đồng thời bộ đã phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm.
Tuy nhiên với các nền tảng mạng xã hội sử dụng thuật toán như TikTok đang "lách" để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm trên TikTok gặp khó khăn.
Ông Do cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng loạt nhiều biện pháp mạnh để xử lý những vi phạm của TikTok, bao gồm các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử sẽ làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét bao gồm cả hình ảnh, video.
49,9 triệu
Đó là số người sử dụng TikTok tại Việt Nam, đứng thứ sáu thế giới và đứng thứ nhất Đông Nam Á.
Các bạn trẻ xem TikTok trên điện thoại di động - Ảnh: T.T.D.
Chấn chỉnh toàn diện TikTok tại Việt Nam
"Tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an, Tổng cục Thuế... kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do nêu giải pháp của cơ quan chức năng.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp Bộ Công Thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam.
Về khả năng đề xuất cấm TikTok tại Việt Nam như nhiều quốc gia đang thực hiện, ông Lê Quang Tự Do khẳng định: "Sau khi kiểm tra toàn diện, cùng với các bộ ban ngành, chúng tôi sẽ đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể.
Nhưng tôi nhấn mạnh nguyên tắc nhất quán của Bộ Thông tin và Truyền thông: Tất cả các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Nếu không tuân thủ sẽ không được tạo điều kiện hoạt động ở Việt Nam".
Ông Do nhấn mạnh rằng luật pháp Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu không thực hiện, cơ quan thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng xã hội có vi phạm.
"Hiện cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ các cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm của TikTok. Đó là căn cứ trên Luật công nghệ thông tin, Luật quảng cáo, Luật an ninh mạng, các nghị định 72/2013 và 70/2021 của Chính phủ", ông Do thông tin thêm.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, việc quản lý TikTok đang được tiếp cận từ nhiều góc độ như biện pháp kinh tế, kỹ thuật, pháp lý, truyền thông, ngoại giao. Trong đó có việc ngăn chặn dòng tiền quảng cáo trên mạng để không chảy về nội dung xấu độc.
"Chúng ta không dùng cách tiếp cận cấm hay không cấm vì hiện nay pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ quy định pháp luật cũng như quy trình thủ tục để thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh mạng, không giới hạn việc chặn hạ các ứng dụng vi phạm pháp luật", ông Lâm giải thích.
18
Đó là số quốc gia/vùng lãnh thổ cấm ở các mức khác nhau ứng dụng TikTok tính tới ngày 4-4. Ứng dụng này tới nay có hơn 1 tỉ người dùng toàn cầu. Nhiều nước cấm cài đặt TikTok trong các thiết bị làm việc ở cơ quan chính phủ, chưa cấm với thiết bị cá nhân. Riêng Iran, Afghanistan và Ấn Độ cấm hoàn toàn. -D.K.THOA-
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông - Trình bày: N.KH.
Người Việt xem gì trên TikTok?
Theo số liệu của DataReportal tính đến tháng 2-2023, số lượng người sử dụng TikTok tại Việt Nam đã lên tới khoảng 49,9 triệu người, đứng thứ sáu thế giới và đứng thứ nhất tại Đông Nam Á. Trong đó phần lớn là người trẻ. Một số chuyên gia ước đoán số người dùng trong độ tuổi 13 - 18 là rất nhiều.
Trong báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng này xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý 4-2022. Từ lượng video vi phạm, có không ít video làm phẫn nộ dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, thậm chí là làm hỏng thế hệ trẻ.
Bên cạnh các video của các TikToker, người dùng còn tiếp cận được nhiều video từ nghệ sĩ. Nghệ sĩ Việt đã gia nhập cộng đồng TikTok như "nấm sau mưa", kể cả nghệ sĩ lớn tuổi.
Một số người cho rằng đây là thời cơ vàng để thực hiện chiến lược tiếp cận khán giả trẻ, tranh thủ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Số khác sử dụng TikTok để đăng tải video đời thường dành tặng người hâm mộ.
Năm 2021, TikTok giới thiệu tính năng TikTok LIVE, cho phép người dùng phát sóng nội dung và tương tác trực tiếp với người theo dõi trong thời lượng không giới hạn. Sự ra mắt tính năng này đã cho người dùng thêm lựa chọn thay vì chỉ xem những video được quay chụp, biên tập, xử lý từ trước.
Ông Vũ Quốc Chinh - chuyên gia tư vấn, tiếp thị thương hiệu (ĐH Kinh tế TP.HCM) - nhận xét: "Ở các nước, việc kiểm soát các nội dung xuất hiện trên những kênh truyền thông số đều làm rất chặt chẽ và có mức xử phạt mạnh. Ở Việt Nam, chính sách của chúng ta vẫn chạy theo thực tế.
Các nền tảng này rất "khôn" khi đá trái bóng trách nhiệm về cho những người bán hàng hay "nhà sáng tạo nội dung". Họ bày ra sân chơi, thu tiền quảng cáo nhưng khi người dùng chịu hệ lụy gì họ đẩy cho những "nhà sáng tạo", người bán hàng và xem như mình vô can".
Theo ông Chinh, trong khi chờ đợi những phản ứng mạnh tay hơn từ cơ quan quản lý thì chúng ta cần xây dựng hàng rào nhận thức, dân trí cho người dùng mạng xã hội. Người dân cần biết tẩy chay, nói không với những video xấu, độc, nhảm và biết nghi ngờ những quảng cáo, thương hiệu xuất hiện trên những kênh như vậy.
THÁI THÁI - N.BÌNH
Thuật toán "gây nghiện" của TikTok
Chỉ cần vô tình tìm kiếm hoặc xem những nội dung liên quan nữ sinh, gái xinh..., thậm chí sex, người dùng dễ dàng tìm thấy rất nhiều video về chủ đề này trên TikTok. Đó là chưa kể ứng dụng còn đề xuất thêm nhiều video cùng chủ đề, nội dung liên quan theo hướng quan tâm của người dùng.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, TikTok thu thập rất nhiều thông tin của người dùng. Đó không chỉ là các thông tin về tên, tuổi, ngày sinh, email, số điện thoại... mà còn bao gồm cả sở thích, hoạt động xem video, hành vi trên TikTok, xu hướng quan tâm...
Những dữ liệu này sẽ được cung cấp cho hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của TikTok phân tích, từ đó đưa ra cách phân phối nội dung chính xác đến người dùng.
Các chuyên gia trong nghề gọi đây là thuật toán "gây nghiện" vì mỗi video TikTok chỉ có thời gian rất ngắn trong vài chục giây nhưng phần đông người dùng mất hàng giờ để lướt TikTok.
Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, giải thích rằng đầu tiên TikTok lựa chọn video dành cho người dùng dựa vào các yếu tố: tương tác của người dùng (bấm thích hoặc chia sẻ, các tài khoản theo dõi, nội dung viết đăng tải và nội dung video tạo ra); thông tin video, bao gồm cả các chi tiết như chú thích, âm thanh và các hashtags; ngôn ngữ đang sử dụng, quốc gia, loại thiết bị...
TikTok lôi kéo sự hiếu kỳ của người xem qua những chuyện giật gân, nhảy nhót, ăn mặc, nói năng phản cảm... - Ảnh: PHUONG QUYÊN
Từ những dữ liệu này, AI sẽ tổng hợp và phân loại người dùng thành các nhóm có sở thích khác nhau để phân phối nội dung cho phù hợp. "Nguyên lý này các nền tảng khác như YouTube, Facebook cũng đã áp dụng.
Tuy nhiên lợi thế của TikTok chính là thời gian của mỗi clip rất ngắn nên cùng một khoảng thời gian, người dùng xem được nhiều clip trên TikTok hơn so với YouTube, Facebook.
Điều này có nghĩa là TikTok sẽ thu được nhiều phản ứng của người dùng hơn với cùng một khoảng thời gian để làm đầu vào cho máy học AI. Nói cách khác là AI của TikTok vừa học nhanh vừa chính xác hơn vì dữ liệu đầu vào nhiều hơn", ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, TikTok có thuật toán triển khai nội dung mới theo cách mỗi khi một nội dung mới xuất hiện, thuật toán sẽ phân bổ đến một số lượng người nhất định để đo tương tác. Nếu tỉ lệ người xem thích video cao thì tiếp tục phân phối tới số lượng người đông hơn theo cấp số nhân.
"Vì vậy, nếu một nội dung càng độc, lạ, câu view thì tốc độ lan truyền càng nhanh. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện những video có nội dung bẩn, độc hại được lan truyền mà không có kiểm soát", ông Sơn nhận định.
"TikTok Trung Quốc" khác gì?
Công ty của Trung Quốc làm ra TikTok nhưng ở "quê nhà" của ứng dụng này không xài TikTok, mà có một phiên bản tương tự dành riêng cho người dùng trong nước là Douyin. Nền tảng này cũng thuộc Công ty ByteDance và ra đời năm 2016, trước TikTok một năm.
Douyin phải tuân thủ luật truyền thông của Trung Quốc, để tải ứng dụng này người dùng phải cung cấp số điện thoại đăng ký tại Trung Quốc.
Theo trang TechTarget, Douyin có nhiều tính năng hơn TikTok, ví dụ ứng dụng này có tích hợp công cụ đặt phòng và thanh toán điện tử. Ngoài ra không chỉ có các video dạng ngắn như TikTok, Douyin còn cung cấp các bộ phim có thời lượng dài.
D.K.THOA