Nhiều địa phương thận trọng khi tiêm vaccine cho nhóm đối tượng cao tuổi và bệnh lý nền
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong số 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng vaccine COVID-19, có nhóm đối tượng trên 65 tuổi và nhóm đối tượng có bệnh mạn tính. Tuy nhiên tại một số địa phương, việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng này vẫn còn hạn chế.
Như TP Hà Nội, theo hướng dẫn, trong tuần tới thành phố sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng cho tất cả người dân trong độ tuổi cần tiêm chủng, từ 18 - 65 tuổi, với tổng số hơn 5,1 triệu liều vaccine. Theo kế hoạch, nếu nguồn cung vaccine bảo đảm, Hà Nội phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày.
2 nhóm đối tượng trên 65 tuổi và có bệnh mạn tính không được vào danh sách ưu tiên của thành phố Hà Nội. Lý giải vấn đề này, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho hay, việc không đưa 2 nhóm đối tượng này vào danh sách đăng ký tiêm chủng vaccine đợt này là do thành phố muốn thận trọng, không để xảy ra bất trắc. Vì theo hướng dẫn cũ của Bộ Y tế, 2 nhóm đối tượng này cũng không nằm trong danh sách ưu tiên, do đó, thành phố phải tính toán kỹ càng trước khi thực hiện.
Ông Việt phân tích, Hà Nội và TP HCM phải chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine rất lớn và đồng loạt, hơn nữa, không phải trong một thời gian ngắn. Mọi người ai cũng kỳ vọng có thể tiêm được hết cho tất cả, nhưng trước hết muốn đạt miễn dịch cộng đồng thì đích đến là 75% người được tiêm, và 50% dân số được tiêm 2 mũi. Số lượng vaccine của TP đã tăng lên 3,5 triệu – 4 triệu liều, nếu nhân đôi lên là 7-8 triệu liều. Đây là một con số rất lớn.
Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội
"Trong một thời gian, trung bình tiêm 200.000 liều/ngày, thì năng lực sẽ không thể đủ để phân bổ hết cho các nhóm đối tượng. Hơn nữa, tiêm vaccine cần phải đảm bảo sự an toàn. Tiêu chí an toàn đợt này chúng tôi sẽ đặt lên hàng đầu", ông Việt cho hay.
Phó Giám đốc CDC nói tiếp, nếu tiêm số lượng lớn, nếu để xảy ra sơ xuất, sẽ xảy ra phản ứng dây chuyền. Ví dụ, trong một khu công nghiệp, công nhân nữ nhìn thấy người đang tiêm bị ngất thì tâm lý của họ sẽ bị ảnh hưởng, sẽ sinh ra phản ứng dây chuyền xấu.
Hà Nội muốn đợt tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên thành công tốt đẹp (Ảnh: Lê Liên)
Hơn nữa, không phải cứ người nào trong nhóm đối tượng ưu tiên cũng sẽ được tiêm ngay, vì có người bị dị ứng cơ địa, có người huyết áp thấp, khi đến cơ sở tiêm cần phải sàng lọc.
Một nguyên nhân khác, theo Phó Giám đốc CDC, là hiện nay TP Hà Nội vẫn chưa chủ động về nguồn cung vaccine, chưa biết được lượng vaccine và chủng loại vaccine sẽ về. Ngoài ra, các câu hỏi như hình thức tiêm chủng như thế nào, đăng ký trực tuyến có được không, tiêm miễn phí hay tính phí... cũng là những vẫn đề vẫn chưa rõ ràng.
"Chính vì thế, đợt này chúng tôi tạm đưa 2 đối tượng trên ra khỏi danh sách được ưu tiên cho an toàn. TP tạm xây dựng kế hoạch khung, từ kế hoạch khung này, sẽ mở rộng ra mỗi quận, huyện sẽ làm kế hoạch, phương án cụ thể cho từng đơn vị tiêm chủng", ông Việt nhấn mạnh.
Ông Việt cho biết thêm, như hướng dẫn của Bộ Y tế, thành phố sẽ ưu tiên cho 10 đối tượng đầu tiên, bao gồm lực lượng chống dịch, lực lượng phát triển kinh tế.... để triển khai trong những ngày đầu an toàn, diễn biến tốt. Thời gian tới, khi nguồn vaccine về đều, thành phố sẽ có những điều chỉnh ngay lập tức.
Tùy loại vaccine sẽ phù hợp với từng nhóm đối tượng
Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ truyền thông Bộ Y tế cho hay, hiện nay chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 vẫn đang được Bộ Y tế triển khai khắp các địa phương.
Mỗi loại vaccine Bộ Y tế phê duyệt sẽ có khuyến cáo để tiêm cho từng nhóm đối tượng khác nhau, có thể nhóm này sẽ hợp với loại vaccine này, nhóm kia hợp với loại vaccine khác. Thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Trả lời vấn đề hướng dẫn đối tượng trên 65 tuổi và người có bệnh nền tiêm vaccine, ông Cường cho biết, hiện nay Bộ Y tế khuyến khích tiêm cho các đối tượng ưu tiên trước. Đối với 2 nhóm đối tượng trên, hiện Bộ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Tùy từng loại vaccine sẽ phù hợp với từng nhóm đối tượng (Ảnh: Lê Liên)
"Chiến dịch tiêm chủng này kéo dài tận 9 tháng, chứ không phải ngày một, ngày hai là tiêm hết được cho tất cả mọi người... Lực lượng chống dịch, lực lượng phát triển kinh tế sẽ là nhóm đối tượng ưu tiên. Nói như vậy không phải các nhóm đối tượng khác sẽ không được để mắt tới. Mà Bộ Y tế sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới", ông Cường nói.
Nên có chiến lược tiêm vaccine COVID-19 ngay cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), nên có chiến lược tiêm vaccine COVID-19 ngay cho những người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, người có bệnh nền, nhất là ở những vùng có ca mắc trong cộng đồng, lây lan cao như TPHCM, Hà Nội...
Thực tế ở nhiều nước có nền y học tiên tiến trên thế giới, người cao tuổi, phụ nữ đang cho con bú là những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Còn nhóm đối tượng đang mang thai nếu có mong muốn và có cam kết tiêm vaccine thì vẫn có thể tiêm cho họ.
"Thận trọng trong tiêm chủng là cần thiết, tuy nhiên thực tế việc khám sàng lọc không nên quá máy móc, như vậy sẽ khiến cho tỷ lệ hoãn tiêm cao. Ví dụ, thời gian trước tại 1 điểm tiêm chủng cộng đồng do các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách, có 701 người đến tiêm thì đã hoãn tiêm đến 237 người", BS Trương Hữu Khanh cho hay.
Theo BS Khanh, chỉ những người dị ứng phản ứng mức độ 2 (phù mặt, nôn ói đau bụng dữ dội, phải tiêm adrenalin) với tất cả các thứ (thức ăn, thuốc…); người đang bị ung thư giai đoạn cuối; người đang xơ gan giai đoạn cuối... mới không nên tiêm vaccine COVID-19.
"Hơn hết, người dân cần hợp tác khai báo y tế, giữ khoảng cách, bình tĩnh, không uống cà phê nhiều, thư giãn trước khi khám sàng lọc", BS Khanh đưa ra lời khuyên.
Nhiều địa phương thận trọng khi lựa chọn đối tượng tiêm chủng vaccine trong chiến dịch sắp tới
16 nhóm đối tượng được Bộ Y tế đưa vào danh sách được tiêm vaccine
Mới đây, Bộ Y tế công bố triển khai Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 năm 2021-2022 từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022 tại tất cả các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (gồm điểm tiêm chủng lưu động và cố định).
Với mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam ước tính khoảng 70% dân số phải được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Nhóm đối tượng người trên 65 tuổi và người có bệnh nền nằm trong danh sách tiêm vaccinetheo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19, trong đó nêu rõ những đối tượng cần cẩn trọng và những đối tượng phải hoãn, chống chỉ định tiêm chủng. Mục đích là phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vaccine để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Theo đó, các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng phải được khám sàng lọc kỹ, và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Bên cạnh đó, một số đối tượng bắt buộc phải trì hoãn tiêm chủng là những người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.
Ngoài ra, những người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao, hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng không được tiêm.
>>>>>>>> Xem thêm : Tổng hợp những câu chuyen la viet nam trên báo ngoisao.vn