Vẻ đẹp say đắm của hồ Cấm Sơn khi thời tiết sang thu (Video: Hữu Nghị).
Hồ Cấm Sơn nằm ở vùng núi của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và một phần nhỏ thuộc địa phận huyện Hữu Lũng và Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn. Hồ nước này là một công trình thủy lợi.
Dung tích hồ Cấm Sơn khoảng gần 250 triệu m3 nước, có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và Hữu Lũng (Lạng Sơn).
Có nhiều hòn đảo lớn nhỏ nổi lên mặt nước với rừng cây xanh ngắt tạo nên cảnh quan quyến rũ. Mây, trời, non, nước hòa quyện...
Tại vị trí thuộc xã Sơn Hải có một cầu phao dài 300m rút ngắn khoảng cách đi lại cho người dân.
Năm 1971 trong chuyến đi thực tế đến nơi đây, cố nhạc sĩ Phó Đức Phương đã cảm nhận vẻ đẹp của hồ Cấm Sơn rồi sáng tác bài Hồ trên núi. Trong ảnh là một hòn đảo nhỏ với phía trên là một rừng cây xanh mướt mát, hoang sơ.
Tổng diện tích mặt nước hồ khoảng 2.650ha nhưng con số này sẽ thay đổi khi vào mùa khô hoặc mùa mưa. Ngoài chức năng cấp nước làm thủy lợi, hồ còn giữ vai trò điều hòa nguồn nước cho thượng nguồn sông Thương; phân lũ, cắt lũ cho vùng hạ lưu tại các huyện Lạng Giang, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang.
Đang là thời điểm mưa nhiều, diện tích mặt nước cũng lớn hơn.
Vùng đất quanh hồ Cấm Sơn, phù sa bồi đắp màu mỡ được người dân tận dụng trồng hoa màu. Ngoài ra, lòng hồ còn nuôi trồng thủy sản.
Một góc hồ Cấm Sơn thuộc địa phận xã Hộ Đáp (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Chiều dài của hồ gần 30km, bề ngang nơi rộng nhất 7km, chỗ hẹp nhất 200m, lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47m, có rất nhiều đảo.
Con đường đèo quanh hồ quanh co lúc lên cao, khi xuống thấp. Từ trên cao có thể phóng tầm mắt bao quát phong cảnh hồ Cấm Sơn.
Vệt mây loang lổ bao trùm khu vực hồ Cấm Sơn. Vì là hồ trên núi, nên bờ của hồ chính là những dãynúi trùng điệp bao bọc. Cư dân sống gần hồ là những người dân tộc Nùng, Tày, Kinh.
Vào tháng 6, tháng 7, có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đồi Lục Ngạn đỏ rực khi mùa vải chín. Thời điểm hiện tại lại là những vạt ruộng bậc thang đang chín vàng óng.